Theo các nguồn tin, Tổng thống Trump dự kiến mở rộng chiến dịch "gây áp lực tối đa" đối với Iran sang nước láng giềng Iraq, nhắm vào quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và là điểm nóng của hoạt động buôn lậu dầu.
Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, các biện pháp trừng phạt này sẽ nhắm vào tầm ảnh hưởng sâu rộng của Iran tại Baghdad. Các nhóm chính trị và lực lượng dân quân có liên hệ với Tehran đang kiểm soát phần lớn các bộ phận của chính phủ Iraq và các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ.
Nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp toàn diện lên Baghdad, điều này sẽ đe dọa sản lượng dầu thô hơn 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 3,6 triệu thùng/ngày của Iraq.
Mặc dù Iraq sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới, nước này thường xuyên đối mặt với tình trạng mất điện và phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Iran. Các nguồn tin cho biết, việc miễn trừ trừng phạt cho Iraq để nhập khẩu khí đốt và điện từ Iran sẽ bị chấm dứt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng phát điện của Iraq. Vào ngày 24/11, Iran đã giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang Iraq từ 25 triệu mét khối/ngày xuống còn 7 triệu mét khối/ngày, khiến Iraq mất khoảng 5,5 GW điện năng.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần lớn doanh thu của chính phủ Iraq (95%) đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Năm 2022, Iraq đã thu về 131 tỷ USD từ dầu mỏ.
Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng có thể khiến các khoản đầu tư của phương Tây vào ngành dầu mỏ Iraq bị đình trệ. Baghdad đang đặt mục tiêu đạt sản lượng dầu thô 7 triệu thùng/ngày vào năm 2027 và tăng cường thu hồi khí đốt đồng hành để cung cấp cho các nhà máy điện, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu điện.